Phân biệt quyền lợi của Thường trú nhân (Permanent Resident) và Công dân (Citizen) của Canada

Bài viết này tóm lược những yếu tố cơ bản để phân biệt thường trú nhân (Permanent Resident) và công dân (Citizen) tại Canada, đề cập những điểm cơ bản để những người nhập cư hoặc có ý định nhập cư vào Canada nên lưu ý.

ĐỊNH NGHĨA

PR – Permanent Resident, thường trú nhân, là những người được chính phủ Canada cho phép sinh sống lâu dài ở Canada. Họ đã trải qua quy trình nộp hồ sơ và được Bộ Di trú, Tị nạn và Công dân của Canada (IRCC) phê duyêt. Họ vẫn là công dân của một quốc gia khác và không phải là công dân của Canada. Du học sinh và gia đình, khách du lịch, lao động nước ngoài có giấy phép làm việc và gia đình, người tị nạn, người nộp hồ sơ xin tị nạn, người sinh sống bất hợp pháp, không thuộc nhóm này.

Citizen – công dân, là những người có quốc tịch Canada, thuộc các nhóm chính sau:

  • là những người sinh ra tại Canada, (trừ con cái của nhân viên ngoại giao, lãnh sự nước ngoài làm việc tại Canada),
  • người sinh ra ở nước ngoài trở thành công dân Canada thông qua quá trình xét duyệt (naturalize)
  • con cháu của nhóm (1) sinh ra tại nước ngoài
  • con cháu của nhóm (2) sinh ra ở nước ngoài sau khi họ (là những người thuộc nhóm 2) đã trở thành công dân Canada

Lưu ý con cháu của nhóm (3) không mặc nhiên thành công dân Canada. Ví dụ, ông bà sinh ra ở Canada, bố mẹ sinh ra ở nước ngoài, con cháu nếu sinh ra ở nước ngoài sẽ không mặc nhiên có quốc tịch Canada.

PR có thể trở thành Citizen nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nộp hồ sơ, đóng lệ phí, được xét duyệt, thi đỗ kì thi quốc tịch và hoàn thành việc tuyên thệ để trở thành công dân Canada.

Một người không có quyền có quốc tịch Canada thì không thể tự dưng trở thành công dân Canada. Họ phải trải qua quá trình xét duyệt thành PR, rồi sau đó lại tiếp tục xin xét duyệt để thành công dân.

Canada cho phép công dân có nhiều quốc tịch, nghĩa là công dân Canada được phép có quốc tịch của các quốc gia khác. Tuy nhiên một số nước không cho phép như vậy. Để trở thành công dân Canada, công dân một số nước phải từ bỏ quốc tịch nước mình, ví dụ Trung Quốc hay Hàn Quốc. Có nhiều người sống tại Canada nhiều năm mà không làm thủ tục để trở thành công dân Canada. Họ có thể sống trọn đời tại Canada mà vẫn là công dân một nước khác và chỉ là thường trú nhân tại Canada. Điều này hoàn toàn hợp pháp.

GIẤY TỜ CHỨNG MINH TƯ CÁCH THƯỜNG TRÚ VÀ CÔNG DÂN

Nếu bạn thành công trong việc xin trở thành thường trú nhân tại Canada, bạn sẽ được chính phủ Canada cấp Confirmation of Permanent Resident (CoPR), đối với người Việt Nam còn kèm theo visa định cư nhập cảnh một lần vào Canada. CoPR có hạn không quá một năm và bạn phải tới Canada trong thời hạn đó. Khi bạn tới cửa khẩu của Canada, visa định cư của bạn hết hiệu lực, bạn sẽ được nhân viên CBSA (Canadian Border Service Agency) phỏng vấn thêm lần nữa. Nếu mọi chuyện tốt đẹp nhân viên CBSA sẽ kí vào CoPR của bạn và bạn chính thức trở thành PR có đầy đủ mọi quyền lợi của một PR tại Canada. Thủ tục này thường được gọi nôm na là landing. Trường trú nhân trước khi còn được gọi nôm na là landed immigrants, sau này hầu như chỉ dùng chữ PR thôi.

Đối với những người làm hồ sơ in PR khi đang sinh sống hợp pháp tại Canada, sau khi nhận được CoPR họ sẽ đến một cửa khẩu bất kỳ để làm thủ tục “landing”. Năm 2020, vì lý do dịch bệnh, quá trình landing có chút điều chỉnh, miễn đối với một số trường hợp và thay bằng phỏng vấn hoặc làm thủ tục online đối với một số trường hợp khác.

Tờ giấy CoPR có chữ ký của nhân viên CBSA và hộ chiếu nước ngoài (ví dụ như hộ chiếu Việt Nam) là các giấy tờ nhân thân bạn sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính với chính quyền liên bang và tỉnh bang và các tổ chức hỗ trợ người nhập cư trong thời gian chờ nhận thẻ PR.

Trong vòng 90 ngày, chính phủ sẽ gửi PR card (thẻ PR) cho bạn. Do Mỹ gọi thẻ thường thú là thẻ xanh nên nhiều người cũng gọi thẻ PR của Canada như vậy, mặc dù thẻ PR không hẳn là màu xanh. Bạn sẽ dùng giấy này thay cho giấy tờ tùy thân hay chứng minh thư (ID) để chứng minh nhân thân và tình trạng cư trú của bạn tại Canada. Nếu bạn rời khỏi Canada, bạn cũng cần phải dùng PR card để nhập cảnh trở lại vào Canada.

Thẻ PR có hạn 5 năm. Nếu hết hạn, bạn phải làm đơn xin gia hạn và nếu đáp ứng đủ yêu cầu về cư trú tại Canada (đủ 2 năm trong vòng bất cứ 5 năm liên tiếp nào) thì bạn sẽ được cấp lại thẻ PR mới.

Nếu bạn đã từng trở thành thường trú nhân, ngay cả khi thẻ PR của bạn hết hạn, bạn cũng sẽ không tự nhiên mất tư cách thường trú nhân. Bạn mất tư cách thường trú nhân khi bạn trở thành công dân (bạn sẽ phải trả lại thẻ PR vào ngày bạn trở thành công dân Canada), bạn từ chối tư cách thường trú nhân, bạn bị trục xuất khỏi Canada, hoặc có quyết định của chính phủ hủy tư cách thường trú nhân của bạn (thường trong các trường hợp không đáp ứng đủ yêu cầu về cư trú tại Canada hoặc phát hiện có gian dối trong hồ sơ xin PR).

Việc đảm bảo thời gian cư trú tại Canada là một trong những điều cốt yếu để duy trì tư cách thường trú nhân của bạn. Bạn cần ở Canada đủ 2 năm (730 ngày) trong bất cứ 5 năm liên tiếp nào. Đối với những người thường xuyên ra khỏi Canada và quay lại, bạn nên ghi chép chi tiết về hành trình của mình để tránh những sai sót đáng tiếc sau này.

Nếu bạn là sinh ra đã là công dân Canada, giấy khai sinh và hộ chiếu là các giấy tờ chứng minh tư cách công dân của bạn.

Nếu bạn trở thành công dân của Canada, bạn sẽ được trao Giấy chứng nhận quyền công dân (Citizenship Certificate), sau đó bạn sẽ xin hộ chiếu.

Giấy khai sinh và chứng nhận quyền công dân không phải là giấy tờ đi lại giữa các quốc gia, và trong hầu hết các trường hợp không thể dùng làm giấy tờ tùy thân được. Để chứng minh mình có quốc tịch Canada, hầu hết mọi người Canada sẽ dùng hộ chiếu Canada. Dĩ nhiên nhiều người có quốc tịch Canada không có hộ chiếu Canada vì họ không có nhu cầu đi ra nước ngoài. Đối với di dân tới Canada, việc có được hộ chiếu Canada được coi như là đã hoàn thành tất cả các thủ tục pháp lý của hành trình di dân. Sau đó họ có thể sống bình đẳng như mọi công dân Canada khác.

QUYỀN LỢI

Thường trú nhân tại Canada có hầu hết các quyền lợi kinh tế, văn hóa, xã hội như công dân Canada, bao gồm cả nghĩa vụ đóng thuế. Tùy theo chính sách của từng tỉnh bang, thường trú nhân có thể có bảo hiểm y tế ngay khi trở thành PR hoặc muộn nhất là 90 ngày sau đó. Thường trú nhân được phép sinh sống, học tập, làm việc tại bất cứ đâu trên lãnh thổ Canada và cũng được pháp luật của Canada bảo hộ, bao gồm cả Hiến chương về các quyền và tự do (một phần của Hiến pháp Canada).

Thường trú nhân không được bầu cử và ứng cử vào hệ thống chính trị của Canada tại mọi cấp. Tuy nhiên họ vẫn có quyền có ý kiến về các vấn đề của địa phương và liên bang, và có quyền nhờ MP (Nghị sỹ liên bang) hoặc MPP (Nghị sỹ tỉnh bang) hỗ trợ giải quyết các vấn đề của cá nhân mình.

Thường trú nhân có thể không được đảm nhiệm một số công việc có yêu cầu bảo mật cao. Nhiều công việc của chính phủ, đặc biệt của chính phủ liên bang, ưu tiên trước hết cho công dân, ngay cả khi có các thường trú nhân có trình độ cao hơn cùng nộp hồ sơ vào một vị trí.

Mục 6. (1) của Hiến chương các quyền và tự do của Canada ghi rõ: Every citizen of Canada has the right to enter, remain in and leave Canada. Điều này có một số ý nghĩa như sau:

Môt mang thẻ thường trú nhân không mặc nhiên có đặc quyền được nhập cảnh vào Canada. Mặc dù một thường trú nhân vi phạm quy định di trú với một thẻ PR còn hiệu lực vẫn được phép nhập cảnh vào Canada, tuy nhiên nếu nhân viên CBSA tại cửa khẩu phát hiện người mang thẻ PR còn hiệu lực này đã mất tình trạng pháp lý là thường trú nhân tại Canada, thì người đó sẽ bị tước quyền nhập cảnh vào Canada.

Thường trú nhân không có đặc quyền được ở lại Canada. Nếu một thường trú nhân vi phạm pháp luật Canada thì có thể bị trục xuất khỏi Canada, bất kể đã ở Canada bao lâu. Một ví dụ điển hình là ông Len Van Heest, đến Canada khi mới 8 tháng tuổi, sống tại Canada gần 60, chưa khi nào làm thủ tục để trở thành công dân Canada và đã bị trục xuất vì phạm tội hình sự (được cho là do ông có bệnh lý thần kinh).

Công dân Canada nếu chỉ có duy nhất một quốc tịch là quốc tịch Canada sẽ không bao giờ bị tước quốc tịch Canada. Họ chỉ có thể bị mất quốc tịch Canada nếu trở thành công dân một quốc gia khác VÀ từ bỏ quốc tịch Canada.

Công dân Canada nếu có thêm một quốc tịch khác (dual citizen) vẫn có thể bị tước quốc tịch nếu:

  • bị phát hiện gian dối trong quá trình xin nhập quốc tịch hoặc xin làm PR
  • phạm tội khủng bố, phản quốc, gián điệp, hoặc tham gia quân đội quốc gia có xung đội vũ trang với Canada.

Nếu bạn phạm tội hình sự hoặc có các án phạt dân sự, thì ngay cả khi có hai quốc tịch thì cũng sẽ rất khó để bị tước quốc tịch.

BẢO HỘ CÔNG DÂN Ở NƯỚC NGOÀI

Tại lãnh thổ Canada, PR được pháp luật Canada bảo hộ, có quyền kinh tế xã hội y tế (gần như) bình đẳng so với công dân Canada. PR có một số quyền lợi chính trị, tuy nhiên rất hạn chế.

Ngoài lãnh thổ Canada, chính phủ Canada chỉ có trách nhiệm bảo hộ công dân của mình. Việc hỗ trợ PR rất hạn chế. Các lãnh sự quán trong một số trường hợp có thể cấp Travel Document cho một số thường trú nhân, ngoài ra không cung cấp dịch vụ lãnh sự cho họ. Danh sách đăng ký người Canada ở nước ngoài (ROCA) cũng chỉ dành cho công dân Canada, không dành cho PR.

Thông qua ROCA, chính phủ Canada biết được công dân mình đang ở đâu và có thể liên lạc, thông báo, hỗ trợ trong những trường hợp khẩn cấp.

Trong những trường hợp cần cứu trợ, ưu tiên của các chính phủ luôn luôn theo thứ tự trước hết là cán bộ ngoại giao/lãnh sự và gia đình họ, công dân, và những người có lợi ích liên quan.

Khi ở ngoài Canada, thường trú nhân Canada là công dân của một nước khác và sẽ được nước đó bảo hộ.

Hộ chiếu là giấy tờ xác nhận tư cách công dân một quốc gia của một người, đồng nghĩa với quyền được bảo hộ công dân của chính phủ quốc gia đó. Trong trường hợp một người có nhiều quốc tịch, việc sử dụng hộ chiếu nào chính là lựa chọn sự bảo hộ của quốc gia cấp hộ chiếu đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Luật quốc tịch https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/c-29/

Hiểu về tư cách thường trú nhân: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/new-immigrants/pr-card/understand-pr-status.html

Len Van Heest https://www.cbc.ca/news/canada/british-columbia/courtenay-resident-deported-to-netherlands-1.4012844

Mất quốc tich: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/corporate/publications-manuals/operational-bulletins-manuals/canadian-citizenship/acquisition-loss/revocation.html

Đăng ký dành cho người Canada ở nước ngoài (ROCA): https://travel.gc.ca/assistance/emergency-info/roca-faq

Travelling as a dual citizen: https://travel.gc.ca/travelling/documents/dual-citizenship

https://www.cbc.ca/news/politics/canada-coronavirus-airlift-update-1.5449419

#vuthihaianh #BlueMaple #PRvsCitizen

Posted in Uncategorized | Leave a comment

GCMS Notes và ATIP

Global Case Management System (GCMS) là hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CRM) toàn cầu của Bộ Di trú Canada IRCC. CBSA cũng có thể truy cập hệ thống này nếu cần thiết.

Continue reading

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Hướng dẫn xin visa du lịch Canada cho người nhà

Trời ấm dần. Mùa xuân-hè-thu tươi đẹp sắp sang, kèm theo là mùa du lịch, mùa tốt nghiệp, nên nhiều bạn du học sinh hỏi về việc xin visa cho bố mẹ và người nhà sang Canada chơi hoặc dự lễ tốt nghiệp. Dưới đây là một số hướng dẫn sơ bộ. Áp dụng cho tất cả các trường hợp xin visa du lịch, có thêm ghi chú cho du học sinh. Continue reading

Posted in Canada, Du học - Study in Canada, Travel-Du lịch, Uncategorized, Visitor Visa | Leave a comment

Làm chui ở Canada

Luật pháp Canada quy định: bất kì người nước ngoài nào ở Canada (trừ công dân; thường trú nhân/PR và những trường hợp khác theo luật định) đều phải có giấy phép mới được đi làm, cho dù có được trả lương hay không, cho dù được chả tiền mặt hay séc (check). Continue reading

Posted in Canada, Du học - Study in Canada, International Student, Life-Cuộc sống, Uncategorized | Leave a comment

Du học sinh và nỗi ám ảnh mất hộ chiếu

Mất giấy tờ tùy thân luôn luôn là mối lo của bất kì ai. Đối với du học sinh thì điều đó càng khủng khiếp. Hộ chiếu thường kèm theo visa và có khi kẹp cả study permit và việc mất hộ chiếu có thể dẫn đến nhiều vấn đề đau đầu/rắc rối như tốn kém thời gian và tiền bạc để làm lại giấy tờ, ảnh hưởng đến tâm lý, học tập, việc làm, tài chính. Vậy phải làm thế nào? Continue reading

Posted in Canada, Du học - Study in Canada, Life-Cuộc sống, Uncategorized | Leave a comment

Làm việc sau khi tốt nghiệp

Năm học 2017-2018 sắp kết thúc và nhiều bạn chuẩn bị xin Giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (Post Graduate Work Permit). Tuy nhiên bạn vẫn có thể làm việc trước khi PGWP được phê duyệt. Continue reading

Posted in Canada, Du học - Study in Canada, Life-Cuộc sống, Uncategorized | Leave a comment

SDS và cơ hội cho học sinh Việt Nam muốn du học Canada

ệôm nay 15/3/2018, chương trình Visa Canada Ưu tiên mới mang tên Study Direct Stream (SDS) được chính thức triển khai tại Việt Nam. Sự ra đời của SDS có thể có ảnh hưởng như thế nào tới các cơ hội du học Canada của học sinh Việt Nam? Continue reading

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Phân biệt Visa và Study Permit

Visa và Study Permit là hai khái niệm quan trọng nhất mà du học sinh Việt Nam tại Canada cần hiểu rõ vì chúng có liên quan trực tiếp đến tình trạng pháp lý của du học sinh tại Canada.

Continue reading

Posted in Canada, Du học - Study in Canada, Uncategorized, Visitor Visa | Leave a comment

Các loại giấy phép làm việc (work permit) cho du học sinh tại Canada

Có ba loại work permit mà du học sinh tại Canada quan tâm: Continue reading

Posted in Du học - Study in Canada, Life-Cuộc sống, Uncategorized | Leave a comment

Du học Canada: Thủ tục nhập cảnh và nhận study permit

Vừa có bạn hỏi mình không nhận được study permit khi nhập cảnh thì phải làm gì bây giờ? Nói chung chuyện này cũng giải quyết được bằng cách đến văn phòng Canada Border Services Agency (CBSA) tại một cửa khẩu nào đó, có thể là sân bay quốc tế gần nhất hoặc biên giới Mỹ-Canada gần nhất, trình hộ chiếu, LoA ra và xin cấp study permit. Nhưng tự nhiên lại phải lo lắng, mất thời gian và tiền bạc, trong khi việc này hoàn toàn có thể tránh được.
Continue reading

Posted in Du học - Study in Canada, Uncategorized | Leave a comment