Du học thành công: Bức tranh màu hồng

Nhà văn Lev Tolstoy viết “Những gia đình hạnh phúc đều đầm ấm giống nhau”. Có thể lấy câu này áp dụng cho các trường hợp du học (tự túc) thành công. Câu chuyện thường khá giống nhau.

Bạn cảm thấy muốn đi du học và nhắm thấy tài chính của gia đình có thể chi trả được các chi phí theo tính toán của bạn. Bạn tìm hiểu ngành học, trường học, các thành phố, cơ hội việc làm và định cư rồi bạn quyết định chọn một ngành nào đó hoặc trường nào đó mà bạn thích hoặc thuận lợi nhất theo tính toán của bạn. Bạn chuẩn bị và thi IELTS, công chứng dịch thuật những giấy tờ cần thiết như học bạ, bằng cấp, bảng điểm.

Bạn nộp hồ sơ xin nhập học, hoặc tìm một công tư vấn du học nào đó mà bạn cảm thấy tin cậy nhờ họ hỗ trợ. Sau một vài tuần chờ đợi bạn được nhận trường học. Rồi bạn lại tiếp tục việc làm hồ sơ giấy tờ để xin visa/study permit. Giai đoạn này khá thót tim, vì ngay cả với CES vẫn có thể có phỏng vấn hoặc bị từ chối. Nhưng may quá, sau mấy tuần chờ đợi, cuối cùng bạn đã cầm chiếc visa lá phong đầu tiên trong tay.

Chia tay gia đình và bạn bè, bạn nhập  trường với bao nhiêu háo hức. Chủ nhà rất nhiệt tình, giúp đỡ bạn rất nhiều trong cuộc sống. Bạn làm quen với các bạn bè mới, cả người Việt, người Canada và các bạn bè quốc tế khác, nhiều bạn trong đó bạn đã liên lạc trước qua  email, Facebook hoặc Skype. Bạn bè giúp đỡ bạn trong việc học hành, cải thiện tiếng Anh và thích nghi với đời sống sinh viên mới. Bạn cũng nhớ nhà và bạn bè ở Việt Nam, nhưng bạn có thể gọi điện, video chat về nhà thường xuyên, hơn nữa cuộc sống bận rộn bên này làm bạn cảm thấy cũng đỡ nhớ nhà.

Bạn nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Việc học hành cũng không quá khó như bạn nghĩ ban đầu. Tuy nhiều bài tập và phải đọc rất nhiều bằng tiếng Anh, nhưng bạn thấy nếu cố gắng và khéo thu xếp thời gian là có thể theo được tốt, đạt kết quả B, B+ thậm chí A, A+ trong tầm tay. Trường cũng có các dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế nên bạn cảm thấy yên tâm mới cuộc sống mới.

Bạn bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm thông qua các mối quen biết, các quảng cáo trên báo hoặc các poster mà bạn nhìn thấy tại các nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu. Bạn gửi đơn xin việc qua email hoặc đến tận nơi gửi hồ sơ. Rồi có một hai đơn vị gọi bạn đến phỏng vấn và giao việc cho bạn. Công việc tuy chẳng liên quan (lắm) đến chuyên môn, nhưng bạn được trả lương tử tế, đủ giờ, chủ và các bạn cùng làm cũng tốt bụng và giúp đỡ bạn làm tốt công việc. Bạn tính toán khéo và sống cũng tiết kiệm, nên tiền làm thêm cũng đủ chi trả tiền sinh hoạt phí hàng tháng, bạn không phải tiêu đến tiền bố mẹ cho.

Bạn cũng tính toán thời gian học và làm việc hợp lý, tranh thủ học mọi nơi mọi lúc nên kết quả học tập cũng không đến nỗi nào. Thậm chí bạn còn có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường và các hoạt động với hội sinh viên Việt Nam tại trường hoặc cùng thành phố. Bạn thường xuyên đăng ảnh lên Facebook cho bố mẹ và bạn bè ở Việt Nam được cập nhật về tình hình của bạn.

Mùa đông ở Canada cũng lạnh, nhưng tuyết rơi rất đẹp mà bạn lại không phải xúc tuyết nên thấy lãng mạn gì đâu. Quần áo bên này rất tốt, mặc vào là đủ ấm. Đi học đi làm bằng xe bus (hoặc tàu điện ngầm), trong nhà lại có sưởi, nên có khi bên trong bạn vẫn mặc áo phông ngắn tay như thường. Mùa đông vẫn có các hoạt động giải trí ngoại khóa, thể thao văn hóa trong và ngoài trời, mà bạn cũng bận rộn, nên mùa đông trôi qua rất nhanh, bạn lại thấy nhớ nó.

Xuân hè thu thì khỏi nói, Canada quá đẹp. Quá nhiều hoạt động khắp nơi, nhiều hoạt động miễn phí, bạn cố gắng tham gia được một số hoạt động tiêu biểu cùng bạn bè. Thời gian trôi qua vèo vèo.

Chẳng mấy chốc mà khóa học kết thúc. Nếu thu xếp được thời gian và tài chính, bố mẹ bạn có thể có mặt trong lễ tốt nghiệp của bạn tại Canada. Bạn cảm thấy tự hào đã vượt qua được giai đoạn khó khăn một cách kiên cường với tài chính ít hơn dự kiến và kết quả tốt như mong đợi.

Bạn nộp hồ sơ xin giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp(Post Graduate Work Permit – PGWP) và nhận được giấy phép làm việc trong ba năm tại Canada. Bạn bắt đầu hành trình tìm việc. Gửi rất nhiều Resume và gặp gỡ rất nhiều người. Sau vài tháng đi làm tạm bợ chờ xin việc bạn nhận được  một công việc khá tốt, tuy chỉ ở mức khởi điểm nhưng có cơ hội thăng tiến.

Làm việc được một thời gian, nhờ chăm chỉ làm việc và học hỏi, bạn được gia hạn hợp đồng, chuyển lên vị trí mới cao hơn. Công ty thậm chí còn hỗ trợ bạn trong việc hoàn thiện hồ sơ xin định cư của bạn. Bạn hoàn thiện bộ hồ sơ xin định cư với điểm IELTS General rất cao et voila cuối cùng bạn đã nhận được Confirmation of Permanent Residence (COPR) sau nhiều năm nỗ lực và chờ đợi.

Câu chuyện này không phải là viễn tưởng. Nhiều bạn đã đi du học thành công như vậy, chi tiết có thể không giống nhau hoàn toàn nhưng theo quan sát của mình các bạn này thường có nhiều điểm chung như sau:

  • Chủ động tìm hiểu thông tin kĩ trước khi đi
  • Chuẩn bị tâm lý vững vàng và luôn duy trì suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống
  • Chuẩn bị tài chính và các phương án phòng bị trường hợp xấu xảy ra
  • Cố gắng nỗ lực trong tất cả mọi việc, dù là đi học hay đi làm
  • Không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác và luôn cố gắng tìm hướng giải quyết thay vì đau khổ/than vãn khi có các vấn đề nảy sinh
  • Tìm kiếm hỗ trợ từ những người tin cậy như bạn bè, những người đi trước, cán bộ nhân viên tại trường và những người cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp

Nhìn vào bức tranh màu hồng này để thấy chuyện tốt đẹp như vậy đã diễn ra với ai đó cũng có thể diễn ra với mình. Phải cất bước chân ra đi thì mới có thể đến đích được. Nhưng đừng nhìn vào đó để thấy trên đời chỉ có màu hồng như vậy. Có những gia đình hạnh phúc, và có những gia đình bất hạnh. “Mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo một cách riêng”. Du học cũng có những bức tranh màu xám, thậm chí màu tối đen. Đó sẽ là chủ đề của một bài viết khác.

About vuthihaianh

One Canadiana
This entry was posted in Du học - Study in Canada, Life-Cuộc sống, Uncategorized. Bookmark the permalink.

1 Response to Du học thành công: Bức tranh màu hồng

  1. Trần Ngân Hà says:

    bài viết của chị rất hay và làm cho e có động lực. e cám ơn chị

Leave a comment